Đồng chí Nguyễn Văn Hổ, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy quán triệt Quy định số 69.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hổ quán triệt Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Đây là quy định về kỷ luật của Đảng lớn nhất, hoàn thiện nhất từ trước đến nay; nội dung quy định được hệ thống tương đối toàn diện, đầy đủ, cụ thể và bao quát các phương diện trong đời sống xã hội.
Các Đại biểu dự hội nghị.
Các điểm mới trong quy định tập trung ở 3 nội dung chính: quy định về các hành vi mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo về các vi phạm trong thời gian tới; tăng nặng hoặc giảm nhẹ chế tài đối với hành vi vi phạm được quy định trước; xác định rõ động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi làm căn cứ áp dụng chế tài phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với quy định mới của Đảng và pháp luật.
Tiếp đó, Hội nghị nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn quán triệt một số nội dung trọng tâm của chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chương trình xác định mục tiêu: đến năm 2030, nền nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển bền vững, hiệu quả, sản xuất quy mô lớn, đảm bảo an ninh lương thực. Nông thôn phát triển toàn diện… Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn Hà Tĩnh văn minh. Nông nghiệp sinh thái, quy mô lớn, gắn kết chặt chẽ với thị trường, công nghiệp chế biến...
Điểm cầu huyện Hương Khê.
Để đạt mục tiêu, chương trình hành động xác định cần nâng cao vai trò, vị thế, cải thiện đời sống nông dân và cư dân nông thôn; phát triển theo hướng sinh thái, áp dụng khoa học - công nghệ. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò MTTQ, hội nông dân...
Hội nghị tiếp tục nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trình bày Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Nghị quyết số 18 hướng tới mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng trình bày Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 4.000 tổ hợp tác với 56.000 thành viên; 1.000 hợp tác xã với 150.000 thành viên; 5 liên hiệp hợp tác xã với 25 hợp tác xã thành viên. Đến năm 2045, phấn đấu thu hút 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; đảm bảo trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.
Để thực hiện tốt mục tiêu cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động...
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề nghị các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung được quán triệt kịp thời, hiệu quả. Cụ thể hóa các nội dung sát với thực tiễn địa phương, đơn vị. Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, các nghị quyết của tỉnh. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo truyền truyền sâu rộng các nghị quyết; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện các nghị quyết.
Đối với Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, cần triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đưa nội dung quy định vào sinh hoạt chi bộ. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Quy định 69 đã tích hợp cơ bản các quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên. Nếu tổ chức đảng, đảng viên nghiên cứu sâu quy định, việc vi phạm chắc chắn giảm, từ đó tiếp tục nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với tổ chức đảng, đảng viên, vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định rõ hơn”.
Trong quản lý và sử dụng đất đai, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; tập trung giải quyết hạn chế, vướng mắc kéo dài; việc cấp sổ đỏ cho người dân. Rà soát các dự án chậm triển khai, không triển khai để xem xét xử lý, tránh lãng phí nguồn lực. Chú ý công tác quản lý quy hoạch, không để tình trạng người dân cơi nới, lấn chiếm quy hoạch xây dựng, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án lớn trên địa bàn, nhất là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các địa phương, đơn vị quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Khai thác tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOOP. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cải tiến cách thức triển khai công nhận các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Về kinh tế tập thể, cần quan tâm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, đánh giá sát hoạt động của kinh tế hợp tác xã; xử lý dứt điểm các hợp tác xã tồn tại trên danh nghĩa, không còn hoạt động, tránh hệ lụy.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung cao chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy; tập trung chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn. Rà soát, xử lý các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường các giải pháp thu ngân sách. Lưu ý một số vấn đề về xây dựng nông thôn mới; chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ; phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; quan tâm các hoạt động an sinh xã hội, tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Tập trung cao giải quyết các vụ việc tồn đọng, đơn thư; việc tổ chức đi học tập kinh nghiệm các địa phương phải thiết thực, hiệu quả.