Gia đình ông Trần Bá Tâm, xóm Vĩnh Hương xã Hương Vĩnh, vụ Hè Thu này gieo trỉa 2 sào Ngô giống B265, hiện đã cho bắp nõn nhưng khả năng sẽ mất trắng hoàn toàn do Sâu keo phá hoại. Ông Tâm cho biết: Là hộ sản xuất nông nghiệp hàng chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên bản thân ông mới thấy loại Sâu này, Sâu phát triển nhanh, mạnh và người dân chưa có thuốc đặc hiệu để diệt trừ.
Theo người dân cho biết, Ngô là cây trồng phù hợp với vùng đất, khí hậu nơi đây, mỗi năm sản xuất 3 vụ đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đặc biệt là giống ngô B265 rất thích hợp với thiết tiết nắng nóng như Hương khê. Tuy nhiên, vụ hè thu năm nay trên địa bàn xuất hiện Sâu keo mùa thu, là loài sâu hại mới nên người dân rất lo lắng, các hộ dân đã phun thuốc phòng trừ nhiều lần nhưng không hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Khang, xóm Vĩnh Hương, xã Hương Vĩnh không khỏi lo lắng cho hay sau khi phát hiện, gia đình bà đã phun 3 lần mà hiện sâu vẫn không hết đã ăn vào tận trong bắp ngô,.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thu, thôn trưởng thôn Vĩnh Hương xã Hương Vĩnh cho biết: vụ hè thu này, người dân trong thôn đã gieo trồng 8 ha Ngô nhưng hiện nay toàn bộ diện tích đều bị sâu phá hoại, trong đó trên 80% có khả năng mất trắng hoàn toàn. Vì hiện tại, Ngô đã trổ cờ, cho bông và sâu đã ăn vào tận bắp nõn nên khả năng diệt trừ sâu bệnh, khôi phục diện tích là khó thực hiện.
Được biết, Sâu keo mùa thu là loại sâu mới xâm nhập vào nước ta từ tháng 4 năm 2019. Đây là loài sâu đa thực, phàm ăn, có khả năng di trú xa, phát tán mạnh, gây hại nặng cho ngô và các loại cây trồng khác như lúa, lạc, rau. Đối với Sâu keo có đặc điểm sâu gối lứa liên tục, khó phòng trừ ở giai đoạn sâu tuổi lớn nên nguy cơ sâu keo mùa thu gây hại diện rộng trên ngô Hè Thu và vụ Đông là rất lớn. Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nên thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm tình hình sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện nay, Sâu keo mùa thu đã gây hại trên 23 ha diện tích cây Ngô vụ Hè thu ở 3 xã thuộc huyện Hương Khê. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Hương Vĩnh với 15 ha. Công tác phòng trừ sâu bệnh của người dân còn lúng túng, chưa hiệu quả. Vì vậy, các ngành chuyên môn cần vào cuộc tìm hiểu, xác định, đánh giá về sự phát sinh của sâu bệnh, tìm ra nguyên nhân, giải pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nhất. Đặc biệt là đảm bảo các điều kiện để bà con nông dân yên tâm sản xuất trong vụ Đông sắp tới. Bởi Ngô vẫn là cây chủ lực trong vụ Đông của bà con nông dân huyện Hương Khê trong nhiều năm qua.