Năm 2019, toàn tỉnh có 100 điểm rừng bắt lửa với 21 điểm/9 huyện (tăng 11 vụ so với năm 2018) xảy ra cháy. Diện tích có rừng bị ảnh hưởng cháy 462,9 ha; diện tích rừng bị cháy không có khả năng phục hồi 302,95 ha. Về sản xuất nông nghiệp, nắng nóng gây thiếu nước cho 1.035 ha diện tích lúa hè thu; 1.343 ha cây trồng cạn; 916,5 ha cây ăn quả và 17 ha chè . Vào cuối vụ, bão số 4 và áp thấp nhiệt đới đúng vào thời điểm thu hoạch làm 7.333 ha lúa bị ngập; 864 ha bưởi bị thiệt hại; 816 ha rau, hoa màu hư hỏng nặng. Năng suất lúa chỉ đạt 40 tạ/ha thấp hơn 6,48 tạ/ha so với vụ hè thu 2018.
Vụ hè thu 2020, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời tiết sẽ xảy ra nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 0,5 - 1 độ C so với mức bình quân nhiều năm. Nắng nóng sẽ tập trung cao từ tháng 5 đến tháng 8 với nhiệt độ nơi cao nhất vượt 40 độ C, đe dọa tình hình hạn hán ở diện tích trồng lúa và các cây trồng cạn; nguy cơ cháy rừng tiếp tục tăng cao.Cùng với đó, sản xuất hè thu còn phải đối mặt với nguy cơ bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh vào cuối vụ, gây thiệt hại năng suất các loại cây trồng chủ lực. Ngành chuyên môn chỉ đạo phải sử dụng các loại giống ngắn ngày đối với lúa (nhóm giống có thời gian sinh trưởng dưới 115 ngày), gieo cấy kết thúc 10/6; tiếp tục mở rộng các cánh đồng lớn, xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp. Cây trồng cạn phấn đấu gieo trỉa trước 30/6. Tiếp tục phát triển bền vững rừng với tỷ lệ che phủ cuối 2020 đạt 52,5%, đồng thời triển khai lực lượng, phân vùng chỉ đạo theo phương án cụ thể, sẵn sàng phối hợp ứng cứu trong BVR & PCCCR.
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT cũng triển khai bổ cứu sản xuất vụ xuân. Trong điều kiện lượng tích ôn cao (cao hơn năm 2019 cùng kỳ 61 độ C, cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm 355 độ C) cùng với việc thực trạng không tuân thủ thời vụ gieo cấy ở một số địa phương đã khiến cho lúa xuân 2020 trổ bông trước lịch 10 - 15 ngày. Hiện nay, một số giống lúa đã nhiễm đạo ôn cổ bông, trên các giống P6, TBR225, KDĐB, DQ11, BT09. Dự kiến, có khoảng 3.000 ha sẽ nhiễm đạo ôn cổ bông trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, xuất hiện một số dịch bệnh khác như: rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn...
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao tinh thần chỉ đạo quyết liệt, liên tục trong phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Nhờ vậy, thông tin chuyển tải kịp thời, tạo sự ứng phó chủ động, hiệu quả cao. Cần xây dựng kịch bản sản xuất sát với từng địa phương, từng nguồn nước tưới, đặc biệt là những vùng cuối kênh, vùng khó khăn về nguồn nước; căn cơ về thời vụ, cơ cấu giống, đảm bảo tranh thủ được thời gian thuận lợi nhất của thời tiết. Tăng cường hơn việc xây dựng mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa.
Điểm cầu huyện Hương Khê
Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Phương án phòng chống cháy rừng vẫn còn thiếu chủ động, nhất là đối với những vụ có nảy sinh tình huống phức tạp. Một số chủ rừng chưa quan tâm đến công tác bảo vệ rừng tận gốc. Phương tiện PCCCR còn thiếu, yếu; khó khăn trong việc huy động lực lượng ứng cứu; chỉ huy PCCCR còn lúng túng. Yêu cầu ngành kiểm lâm cần tăng cao công tác tuyên truyền, giáo dục và răn đe những hành vi vi phạm nhằm tăng cao công tác bảo vệ rừng trong toàn dân. Những trọng điểm cháy rừng phải có giải pháp quyết liệt ngay từ đầu vụ. Tiến hành mua sắm thiết bị, phương tiện phòng chống cháy rừng; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất công tác BVR&PCCCR.