Đền được làm trên một ngọn đồi tuy không cao nhưng cây cối khá rậm rạp, nhiều mây, tre, tro và cả nhiều cây cổ thụ. Đền làm năm 1780 đến năm 1972 bị một quả bom tấn của máy bay Mỹ ném xuống cách đền khoảng 10m nên bị hỏng, năm 1987 dân xây dựng lại theo đúng kiểu dáng như xưa, nhưng kích thước nhỏ hơn. Đền làm kiểu hộp sàn có 4 cột, 4 xà ngang, 4 xà dọc, thưng ván, 2 vì kèo lợp ngói (Trước đây lớp ngói ta nay lại lợp ngói tây) chiều dài 1,3m, chiều rộng 0,92m, chiều cao 1,7m.
Ngày 6/6 âm lịch hàng năm dân làng tổ chức tế lễ, sau khi thầy cúng dâng lễ khẩn tại Đền thì nhân dân bày mâm cỗ của mình cùng một bè chuối có nộm hình nhân trên một bãi đất cách đền khoảng 300m và bắt đầu tế. Thời gian có thể 1 buổi, 1 ngày (Tuỳ theo thời tiết). Tế xong đưa bè chuối ra sông thả, còn dân làng vui hưởng lộc.
Đền Tế lễ xã Hương Thủy
Theo văn tế đền này thờ Chúa Long Mạch sơn thần,
Quan bán thổ Long mạch Sơn Thần, thành hàng thổ địa Long Mạch, Đức Đại Vương, Đức Thánh đền Khai, Tam Toà Thánh Mẫu, Quan Binh, Quan Tướng, Tư hầu, Hậu hầu. Đền tế lễ Long Mạch và hình thức tế lễ ở đây là một loại hình tín ngưỡng hiếm có, riêng ở Hương Khê duy chỉ có một.
Trong khuôn khổ bài viết này không đi sâu vào những điều đã nói trên, mà điều cần nói là Đền Tế lễ Long Mạch (Tại xóm 8 xã Hương Thuỷ - huyện Hương Khê) là một trong những những địa điểm hoạt động bí mật quan trọng của Đảng ta (thời kỳ 1930 - 1945).
1. Sự ra đời của Chi bộ Tế lễ: Tháng 1-1930 xứ uỷ Đông Dương cộng sản Trung Kỳ cử đồng chí Trần Hữu Thiều lên Hương Khê chỉ đạo thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên tại Hà Linh có ý nghĩa hết sức quan trọng, là móc mở đầu đánh dấu sự ra đời của tổ chức Đảng cộng sản ở Hương Khê, ngay từ khi mới thành lập chi bộ đã tăng cường công tác tuyên truyền kết nạp Đảng viên mới. Người làng Tế Lệ và Hà Linh vốn có quan hệ huyết thống khá gần gủi chính đó là một trong những con đường thuận lợi để truyền bá đường lối cách mạng, giữa Hà Linh và Tế Lệ. Mặt khác làng Tế Lệ chỉ cách huyện lỵ Hương Khê khoảng 4 km , có thể các đồng chí Đảng viên lúc đó cần có những chi bộ gần huyện lỵ như thế để vừa dễ làm công tác địch vận vừa dễ nắm bắt tình hình. Vì vậy chi bộ Tế Lệ là 1 trong 19 chi bộ ra đời sớm ở Hương Khê.
Theo bảng kê của ông Bạch Đình Tính là cán bộ tiền khởi nghĩa thì cho đến cuối năm 1930 chi bộ Tế Lệ đã có 4 Đảng viên.
2. Ngày 20/11/1930 tại xã Trúc Lâm (Hương Thanh) Đảng bộ Hương Khê đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Thực hiện nghị quyết của đại hội về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng đòi quyền dân sinh, trừng trị những tên phản động nguy hiểm, chi bộ Tế Lệ đã chọn Đền Tế Lễ Long Mạch để đào các hầm bí mật. Tối ngày 16/3/1931, 5 người gồm Bạch Đình Nợm, Bạch Đình Tam, Bạch Đình Ba, Bạch Đình Mạn, Đặng Bá Yên, đã đào hầm bí mật thứ nhất hầm cách đền Tế Lễ Long Mạch 10m, hầm rộng 1m, dài 2m, sâu 2m, có một cửa thông qua bụi mây rậm rạp, trên hầm đặt tre lấp đất bằng phẳng rồi làm lán để cày bừa, rơm rạ. Các Đảng viên như Đạng Bá Soa, Nguyễn Văn Đề, Tô Tự... khi có chuyện động tĩnh nào đó thì chạy về đây trú ẩn. Tháng 5/1931 dưới sự chủ trì của các đồng chí Tô Tự, Đặng Bá Soa, Nguyễn Văn Đề đã tổ chức kết nạp ông Bạch Đình Nợm vào Đảng tại hầm này. Tháng 1/1932 các đồng chí Bạch Đình Khoan, Bạch Đình Tam, Bạch Đình Nợm, Bạch Đình Niệm đang hội ý tại hầm này thì bị lộ, ông Bạch Đình Nợm bị bắt, còn 3 người lợi dụng cây cối rậm rạp trốn thoát. Sau khi phát hiện hầm số 1, bọn mật thám tăng cường lùng sục làng Tế Lệ, đền Tế Lệ cũng là mục tiêu dòm ngó thương xuyên. Chi bộ Tế Lệ đã chỉ đạo đào hầm số 2 với mục đích canh gác tuyến đường từ Thượng Thạch tới. Hầm số 2 cách Đền tế Lễ Long Mạch khoảng 400m ở rìa làng, phân công một số tự vệ trực thường xuyên để báo động bằng cách ra ám hiệu cho người trông coi Đền tế lễ Long Mạch gõ cồng. Cùng thời gian này phong trào đấu tranh của quần chúng Hương Khê dâng lên mạnh mẽ, hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng bọn chức sắc địa phương đã cầu cứu cấp trên đưa lực lượng về đàn áp khủng bố, bắt bớ cán bộ, sát hại nhân dân. Trước tình hình đó huyện uỷ Hương Khê đã chủ trương chống địch khủng bố đàn áp bằng cách sử dụng vũ lực quần chúng trừng trị đúng mức những tên phản động chống phá cách mạng. Đội tự vệ làng Tế Lệ được thành lập. Để đảm bảo bí mật và an toàn cho đội tự vệ, làng đã đào hầm số 3. Hầm này cách đền Tế Lễ Long Mạch khoảng 100m nằm trong rừng nứa rậm rạp. Hầm dài 4m, rộng 1m, sâu 2m, có 3 ngách là 3 cửa thoát vào rừng, trên hầm phủ kín lá khô. Anh em tổ tự vệ đã hoạt động tích cực, dũng cảm, ngày nằm ẩn ở hầm, đêm thì tìm địch để tiêu diệt, việc ăn uống được bà Phan Thị Biên, Đặng Thị Em, Tô Thị Con phục vụ. Vào tháng 11/1931 chi bộ đã cử 3 tự vệ là Bạch Đình Nợm, Bạch Đình Vân, Bạch Đình Ba trong tổ tự vệ này chặn đường chém tên mật thám Thất Trí, nhưng việc không thành, Bạch Đình Nợm, Bạch Đình Ba trốn thoát được về trú ở hầm số 1, còn Bạch Đình Vân do phải yếm trợ nên bị lộ mặt, bị chúng truy bắt ở hầm số 2 đưa đi giam ở Đồn Chu Lễ, và xử bắn tại làng này vào tháng 2/1932
Một sự kiện đặt biệt là chi bộ Tế lễ đã làm tốt công tác địch vận nên đã có một phụ nữ người pháp "thân cộng", Sau cướp chính quyền 1945 bà đã không về Pháp mà ở lại kết hôn với ông Bạch Đình Tam, sinh con là Bạch Đình Châu (Hiện sống ở xóm 3 xã Hương Thuỷ). Qua bà này chúng ta có thể nắm bắt được nhiều tình hình địch ở Đồn Chu Lễ?
Dưới sự chỉ đạo của huyện uỷ Hương Khê, chi bộ Tế Lệ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh đạt đỉnh cao đó là thành lập được chính quyền Xô Viết. Chính quyền Xô Viết Tế Lệ là một trong 16 chính quyền Xô Viết ở Hương Khê có hình thức rõ rệt và duy trì được khá lâu.Ngày 20/7/1945 đã tổ chức cuộc họp cán bộ việt binh toàn huyện (tại nhà đ/c Đặng Bá Soa cách đền Tế Lễ 300m để thành lập UB khởi nghĩa Hương Khê hội nghị đã cử đ/c Nguyễn Tuy làm chủ tịch
Phát huy những kết quả được trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chi bộ Tế Lệ tiếp tục lãnh đạo nhân dân vừa đẩy mạnh tăng gia sản xuất vừa củng cố lực lượng, thành lập các Hội nông dân, phụ nữ, thanh niên, cứu tế, tán trợ... phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân làng Tế Lệ thực sự đã trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi. Cán bộ Đảng viên nhân dân làng Tế Lệ với tinh thần dũng cảm, hân hoan đã có mặt đông đảo trong đoàn biểu tình của hàng ngàn người dân Hương Khê cướp chính quyền chính quyền tại Chu Lễ vào 3 giờ chiều giờ ngày 19/08/1945.
Làng Tế Lệ đất không rộng người không đông nhưng đã có 4 Đảng viên, 2 liệt sỹ (1930 -1931), 2 lão thành cách mạng, 5 cán bộ tiền khởi nghĩa
Sự hy sinh, lòng dũng cảm và những kết quả đạt được của làng Tế Lệ rất đáng trân trọng, có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không kể đến việc sử dụng Đền Tế Lễ Long Mạch làm nơi hoạt động bí của Đảng trong năm tháng đầy cam go và gian khổ. Vì vậy đề nghị các ngành các cấp và ngành chức năng cần nghiên cứu xếp hạng di tích lịch sử cách mạng Đền Tế Lễ Long Mạch, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của Đảng ta, dân tộc ta, bồi dưỡng lòng yêu nước và tự hào cho thế hệ mai sau.
Nguồn: Báo Hà tĩnh ngày 15/02/2012 và tạp chí Văn hóa Hà tĩnh số tháng 4 năm 2012