Tháng 7/1788 để duy trì được ngai vàng Nhà Lê ( Lê Chiêu Thống), Hoàng Thái Hậu nhà Lê đã sang cầu viện nhà Thanh. Chả bao lâu Thăng Long lại rơi vào tay quân xâm lược Mãn Thanh, không khí trong kinh, ngoài trấn kinh hoàng, lo sợ, nạn giặc giã lại hoành hành. Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 Hoàng đế Quang Trung lại trực tiếp chỉ huy thần tốc tiến vào Thăng Long đánh tan quân quân xâm lược Mãn Thanh. Đại quân Quang Trung- Nguyễn Huệ 3 lần ra Thăng Long, lẽ tất nhiên cả 3 lần đó đều phải huy động nhân tài vật lực rất lớn, và cả 3 lần đó có sự hy sinh dũng cảm của rất nhiều, rất nhiều nghĩa sỹ. Những chiến thắng vang dội của Quang Trung- Nguyễn Huệ có sự đóng góp xương máu của bao lớp người con đất Việt. Vốn là người có tài thao lược, giỏi đối nhân xứ thế, lòng nhân ái cao cả, do đó tháng 7 Nhâm tý 1792 khi nhà vua lâm bệnh hiểm nghèo đã dặn rằng “Ta lâm bệnh hiểm nghèo, khi ta qua đời thì tổ chức mai táng thao thảo thôi, sau đó đưa quân về Vinh lập Kinh Đô, và cử một đoàn đi các vùng lập đền, miếu thờ cho các nghĩa quân đã vì ta mà chết trận, chết đường” (theo lời dịch của cụ Trần Văn Quý viện Hán Nôm từ Binh pháp thư Nguyễn Huệ- quyển 10).
Dưới thời Quang Trung, vùng đất Hương Khê ngày nay còn gọi là châu Quy Hợp có đồn Quy Hợp đóng tại Trừng Thanh (nay là xã Hương Vĩnh, Hương Khê) .Trong suốt chiều dài lịch sử của triều đại Tây Sơn, châu Quy Hợp đã có rất nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến kiến quốc.Trước hết trong lần thứ 3 Nguyễn Huệ tiến công ra bắc đánh bại quân xâm lược Nhà Thanh, Nguyễn Huệ đã thành lập đạo quân thứ 5 do võ tướng Cao Sơn – Cao Các chỉ huy chiêu mộ binh lính từ An Nhơn Bình Định suốt miền trung du đông Trường sơn ra đến Quy Hợp thì dừng lại để luyện tập, số quân lên tới 20000 và 100 thớt voi( theo bản dịch của cụ Trần Văn Quý-Viện Hán Nôm từ Binh pháp thư Nguyễn Huệ - quyển 10).Theo gia phả họ Lê , khi đại binh tiến quân ra Thăng Long thì có 1000 lính ốm yếu không đi được,giao lại cho ông tổ khai cơ Lê Quang Chân quản lý tổ chức sản xuất để sinh sống, sau đó một số chết , một số rút về quê; Hoặc trong số 300 văn bản của hòm tư liệu Quy Hợp có nhiều văn bản thể hiện rằng sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi vẫn hết sức coi trọng tiềm năng và thế mạnh của châu Quy Hợp để giúp triều đình. Ví dụ văn bản có ký hiệu V26 ghi Thượng tướng quân Trần Quang Diệu truyền cho Cai cơ Toại, Cai cơ Kham châu Quy Hợp chiêu mộ binh tại 2 sách này để góp vào đội quân đồn Đại Nài đi dẹp gặc Xiêm ( Quang Trung năm thứ 4 tháng 9 ngày 11);Văn bản ký hiệu V29 ghi: Yêu cầu Toại Ngọc Hầu ở Quy Hợp lên gặp Chậu Lạc Hoàn và các mường bên Laò hỏi thuế và voi…nộp về đồn Quy Hợp để đưa về kinh đô (Quang Trung năm thứ 4 tháng giêng ngày 19 )..(lược trích- tác giả) . Những việc nêu trên chứng tỏ nhân dân Hương Khê đã có nhiều đóng góp nhân tài vật lực ,kể cả sự hy sinh xương máu cho cuộc khởi nghĩa, kiến quốc vĩ đại của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Bởi vậy khi thực hiện lời dặn của nhà Vua, ngày 8/4/1801 Thái sư Bùi Đắc Tuyên, cùng một số nhà phong thủy, và tùy tùng đã lập đoàn chiêu hồn lập đền, miếu.Sau nhiều nơi, đoàn đã đến vùng Quy Hợp. Theo truyền ngôn khi đoàn đến vùng đất Hương Bình thì gặp một con sông dài, rộng khoảng 10 sải tay có bãi cỏ xanh rờn, xét thấy đây là vùng đất thiêng lập đền thờ được. Đoàn đã tổ chức thiết lễ vào giờ chínhThân, và bắt đầu tế vào giờ chính Dậu, cầu cúng suốt đêm cho đến tảng sáng hôm sau, bỗng có một con Gà trống bay sà vào gáy 5 tiếng và vỗ cánh làm đèn, nhang vụt tắt. Với quan niệm “Nhất điếu, nhì xà”, đó là điềm tốt lành báo rằng đúng là vùng đất thiêng
Sau khi xây xong đền thì đoàn rút quân, để lại một kiệu rước và một bộ đầu rồng (làm bằng gỗ có chạm đầu Rồng, sơn son thiếp vàng). Do đó dân làng gọi đền này là đền Nhà Rồng, và con sông phía hướng Bắc là Rào ga (tiếng phổ thông là Sông Gà).
Theo văn tế đền thờ này thờ các vị:
Chính vị Bản Cảnh Cao Sơn- Cao Các-
“Thượng Thiên Đại Ngọc Thánh”
Thánh Mẫu Thượng Ngàn – “
Thượng Thiên Đại Ngọc Thánh Mẫu” – Tọa trung
Cô chín Thượng Ngàn - tọa trung
Tả hữu nhị vị, tả đức linh quân, Hữu đức linh quân, các bộ hạ tùy tùng binh tướng, các quan công cộng đồng chiếu giám lệ - toạ hạ,
Như vậy có thể kết luận rằng Đền Nhà Rồng là nơi thờ tự các binh tướng đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1789)
Đền nhà Rồng được làm 3 cấp Thượng điện, Trung điện, Hạ điện và bái đường mỗi nhà dài 4m rộng 3,6m cột bằng lim, xà bằng gỗ trai, lợp lá cọ
Đến rằm tháng 7 năm Tân Tỵ (1941) do cố đạo Bạch Đình Đoàn thắp hương thiếu cẩn thận, nên khoảng 10h thì đền bốc cháy. Dân làng đến rất đông nhưng do nắng to, gió mạnh không dập tắt được, chỉ lấy ra được nhà linh, riêng anh Lê Xuân Danh một lực điền của vùng đã khiêng ra được một số khí tự và một hộp trát trong đó có tờ giấy in mẫu tiền Quang Trung, một tờ giấy bằng hình vuông nền đỏ giữa có hình tròn màu vàng.
Đến năm sau, 20 tháng giêng Nhâm ngọ xã Trung Hà-Nam trạch lập tờ trình xin tôn tạo lại đền và được phúc đáp bằng văn bản đề ngày 20/01/1942 do Hoàng Mộng Kham ký trong đó có đoạn: Nơi đó long hồi thủy tụ, huyền vũ minh đường, có bằng sa tiền hậu án, phép địa lý cho đó là tốt... bụng người cứ vững thế là yên...
Dân làng đã mời thầy địa lý Lê Hữu Lũng người ở Thổ Hoàng về hướng dẫn. Ông Lê Xuân Đợt (thường gọi là cố Sô) là người chủ trì đứng ra vận động nhân dân tham gia. Lúc đó ngoài khôi phục được 3 tòa Thượng điện, Trung điện, Hạ điện thì còn xây được hàng rào bao quanh mỗi chiều 13m, cổng ra vào với Cột nanh cao 3,5m, trên cột nanh có nghê chầu, quanh thân cột có câu đối, có tắc môn cách cổng 3m, phía trước có phù điêu hổ leo vách đá, mặt sau có phù điêu phượng chầu vân. Vật liệu xây dựng là gạch đá ong, vữa xây gồm cát trộn vôi, mật mía, nước cây chua cùm.
Đến khoảng tháng 2/1953, do nhận thức của một vài cán bộ chủ trì xã Trung Hà-Nam Trạch, đã tháo dỡ đền làm việc khác, tháng 2/1982 HTX Bình Phúc đưa nhà linh cải tạo lại thành nhà tang cho thôn Bình Phúc.
Hiện nay Đền Nhà Rồng được xác định trong bản đồ 299 của xã Hương Bình, thửa 203 với diện tích 6213m2, còn tường rào, cột nanh, tắc môn và một số hiện vật còn rải rác trong dân như đao, nhà linh, đá kê nhà.
Hơn 200 năm kể từ khi xây dựng Đền Nhà Rồng là một cơ sở tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân vùng Nam Trạch, Trung Hà, Tri Bản về đạo lý uống nước nhớ nguồn, một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam, không những thế mà Đền Nhà Rồng còn diễn ra một số sự kiện quan trọng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Vào thời Cần Vương, Hương Khê là địa bàn hoạt động chủ yếu của Phan Đình Phùng, Khê thứ là một trong 15 đạo quân của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đã chọn một số đền chùa để làm nơi hội tụ sức dân làm địa điểm bí mật để hội họp.Theo chuyện kể của ngươi xưa truyền lại thì thời đó tại Đền Nhà Rồng có nhiều người ở địa bàn Hương Khê và một số người ở Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên thường xuyên lui tới đây để hội họp, không kể ngày lễ, tết, họ đều mang theo một vài búp nhang để che mặt bọn mật thám. Vào giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1895), có một lần cuộc họp bị lộ bọn địch ở đồn Tri Bản (Hòa Hải bây giờ) đã bắt 9 người chặt đầu bêu chợ, còn thân chôn chung vào một đám ruộng sâu ở Phúc Đồng, dân thường gọi đây là Phoốc hòm.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuy Đền Nhà Rồng đã trở thành phế tích nhưng do vị trí gần đường 15B đường liên xã Long-Bình-Hòa Hải-Vũ Quang mặt khác nhờ cây cối còn rậm rạp nhất là tro, do đó Đền Nhà Rồng được chọn làm điểm trạm đón tiếp thương binh trước khi họ vào QY Viện 46 (để giữ bí mật cho QY Viện 46 cũng đóng tại Hương Bình)
Tóm lại Đền Nhà Rồng là một cơ sở tín ngưỡng thờ cúng những linh hồn đã anh dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, là nơi góp phần không nhỏ vào các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Hy vọng một ngày không xa Đền Nhà Rồng sẽ được tôn tạo để góp phần bảo tồn di sản văn hóa, góp phần giáo dục đạo lý Uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu nước và cách mạng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.