Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nguyễn Thị Hạnh được áp dụng kỹ thuật theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Hương Khê. Đây cũng là kết quả ban đầu của việc ứng dụng tiến bộ KH&CN nhân rộng mô hình sản xuất dưa lưới, hoa cúc trong nhà màng do Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê thực hiện, có sự hỗ trợ của Sở KH&CN Hà Tĩnh.
Kết quả sản xuất vụ đầu tiên đã thu hoạch trong tháng 6 vừa qua của mô hình này cho thấy: với quy mô 2.000 m2, thời gian thực hiện từ tháng 4-6/2021, năng suất 3,75 tấn/ 1.000 m2, giá bán bình quân 33.000 đồng/kg, cho gia đình thu lãi hơn 45 triệu đồng.
Còn đây là thời điểm vụ dưa thứ 2, thời gian ươm trồng bắt đầu từ tháng 6/2021 và cho thu hoạch vào cuối tháng 8/2021, qua kinh nghiệm triển khai, quá trình sinh trưởng phát triển giống dưa lưới TL03 của Nhật Bản tốt, tỉ lệ nảy mầm cao, cây khỏe, ít bị nhiễm sâu bệnh, thời gian gieo hạt đến thu hoạch 75 ngày. Với 2 mô hình nhà màng (mỗi nhà 1.000 m2): nhà màng thứ nhất cây sinh trưởng phát triển 62 ngày, quả bước vào giai đoạn tạo ngọt, trọng lượng bình quân 1,4 – 1,5 kg/quả, năng suất dự kiến 3,8 tấn/nhà/1.000m2; ở nhà màng thứ 2, qua 38 ngày, quả ở giai đoạn phát triển, tỉ lệ đậu quả đạt 98% dự kiến trọng lượng 1,4 – 1,5kg/ quả, năng suất dự kiến 3,8 tấn/nhà/1.000m2.
Qua đánh giá hiệu quả cho thấy với giá bán 33.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí quản lý kỹ thuật, khẩu hao, cho lãi hơn 30 triệu đồng/vụ/1.000m2. Mỗi năm có thể sản xuất khép kín được 3 vụ (2 vụ dưa lưới, 1 vụ hoa cúc).
Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng còn có hiệu quả về mặt xã hội, đó là khai thác thế mạnh tiềm năng đất đai của địa phương, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm an toàn có giá trị; hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương và người dân đang tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng mô hình và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.