Chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; Tại điểm cầu huyện Hương Khê do đồng chí Lê Ngọc Huấn, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chủ trì; 35 điểm cầu trên địa bàn huyện với hơn 1.550 đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo những thành tựu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Về công tác đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta luôn triển khai toàn diện, chủ động, tích cực cả về chủ trương và chính sách. Cụ thể, trải qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng được triển khai hiệu quả. Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước; các đoàn thể, tổ chức nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Việt Nam cũng đã gia nhập và ký kết hơn 80 điều ước quốc tế đa phương; là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; đã và đang tham gia hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong củng cố đoàn kết nội khối, đẩy mạnh quan hệ của ASEAN với các đối tác. Đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế; hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008 - 2009 và 2020 - 2021); Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020); Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017); Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên (2019); cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…
Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác. 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho nước ta. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỉ USD. Các lĩnh vực công tác đối ngoại như: ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế/vắc-xin trên cả kênh song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vắc-xin. Việt Nam cũng kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó, thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
Đồng thời mục tiêu của đối ngoại được xác định là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nguyên tắc đối ngoại Đại hội XIII đề ra, báo cáo đã chỉ ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác; triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa đối ngoại đa phương; giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hoá truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh; triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài với các nguồn lực trong nước...
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Đây cũng là dịp các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới; vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp các ngành trong hoạt động đối ngoại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như góp phần nâng cao vị thế đất nước. Đất nước ta đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với các nước lớn, tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta. Việt Nam đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tổng Bí thư đề nghị, thời gian tới, bộ, ngành các cấp cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời đổi mới tư duy, không ngừng sáng tạo trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và xu thế thời đại. Nhạy bén, dám nghĩ, dám làm để có suy nghĩ, hành động vượt tầm quốc gia, đạt đến tầm khu vực và quốc tế. Nỗ lực tìm kiếm đối tác mới, hướng đi mới trên cơ sở kiên định mục tiêu, tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn, đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia. Phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hoà bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam.
Đề cao xây dựng đoàn kết, đồng thuận trong nước; kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình cơ chế đa phương. Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế; đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác liên nghị viện quốc tế và khu vực. Tiếp tục tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình. Xây dựng chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030. Mở rộng và nâng cao hoạt động đối ngoại nhất là hợp tác kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Đưa các mối quan hệ đã có đi vào chiều sâu ổn định, hiệu quả; tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác các lĩnh vực. Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hoá truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khoa học, lý luận ngoại giao Việt Nam.