1. Không cần thẻ BHYT giấy khi khám, chữa bệnh: Đây nội dung nêu tại Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/6/2021, người dân trên toàn quốc sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Song song với đó, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ sử dụng đầu đọc để quét mã QR Code hoặc ghi trực tiếp số the BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp này chỉ áp dụng với cơ sở khám, chữa bệnh không có đầu đọc).
2. Sắp tới, không phải cung cấp nhiều hồ sơ, giấy tờ về bảo hiểm: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm. Theo đó, khoản 3 Điều 11 Nghị định này nêu rõ:
Cơ quan, tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin của cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. Ngoài ra, khoản 6 Điều 21 Nghị định này cũng nêu rõ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm rà soát các quy định, thủ tục trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế để đơn giản hóa giấy tờ cá nhân trên cơ sở sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. Như vậy, có thể thấy, sắp tới công dân sẽ được giảm bớt hồ sơ, giấy tờ đã được khai thác trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cũng như sẽ được đơn giản hóa giấy tờ hơn.
Đồng thời, thông qua Cơ sở dữ liệu này, cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình cũng như của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định
3. Điều kiện công nhận văn bằng do các trường nước ngoài cấp: Điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, văn bằng do trường nước ngoài cấp được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện: Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo; Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
4. Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo cơ chế tự chủ: Đây là nội dung được Chính phủ nêu tại Nghị định số 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Theo đó, Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Đồng thời, Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, Trung tâm giới thiệu việc làm có ít nhất 15 người làm việc là viên chức. Lãnh đạo của trung tâm dịch vụ việc làm gồm Giám đốc và các Phó Giám đốc. Số lượng Phó Giám đốc thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, tên của Trung tâm dịch vụ việc làm phải đáp ứng các điều kiện sau: Bao gồm “Trung tâm dịch vụ việc làm” kèm theo tên địa phương hoặc tên khác do cơ quan quyết định thành lập đề xuất; Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của đơn vị khác đã được thành lập trước đó…
5. Các trường hợp doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bị thu hồi giấy phép: Nghị định 23/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hiệu lực từ ngày 01/6/2021. Theo đó, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm trong các trường hợp sau đây: Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp; Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản; Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép; Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt; Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp; Không đảm bảo một trong các điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm; Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động 2019.
6. Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải mua bảo hiểm tài sản: Ngày 31/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động, gồm: Quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối kết quả tài chính, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo quy định tại Nghị định 46/2021 và các quy định của pháp luật có liên quan; Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật; Hạch toán vào chi phí hoạt động các khoản trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Nghị định 46/2021 và quy định của pháp luật liên quan; Mua lại, hoán đổi các giấy tờ có giá do Ngân hàng Phát triển phát hành theo quy định của pháp luật; Xử lý tổn thất về tài sản theo quy định tại Điều 14 Nghị định 46/2021; Thực hiện các biện pháp khác về bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật. Nghị định 46/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.
7. Nói tục, chửi thề ở lễ hội bị phạt tới 500.000 đồng: Từ ngày 1/6/2021, Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ có hiệu lực. Nghị định này chỉ rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam; Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Với các quán karaoke, kinh doanh ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày sẽ bị xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng; Đặt chốt cửa bên trong phòng hát kraoke sẽ bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Với hoạt động quảng cáo trên truyền hình, Nghị định này cũng có nhiều quy định đáng chú ý. Cụ thể như: Phạt từ 50 triệu – 100 triệu đồng nếu quảng cáo trong chương trình thời sự; Quảng cáo quá hai lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình; Quảng cáo một lần quá 05 phút trong chương trình phim truyện…
8. Hồ sơ tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy từ ngày 02/6/2021: Thông tư 27/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2014/TT-BTC quy định thủ tục tạm NK, tái XK, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam. Tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 27 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 19. Theo đó, hồ sơ tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy từ ngày 02/6/2021 gồm: Giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy: 02 bản chính; Tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC. Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy thì theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC; Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chính (có đóng dấu treo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy); Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính; Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy/động cơ xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy): 01 bản chính.
9. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp lĩnh vực GTVT từ 01/6/2021: Thông tư 07/2021/TT-BGTVT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải, có hiệu lực từ ngày 01/6/2021. Theo đó, kể từ ngày 01/6/2021, người được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải phải đáp ứng 02 điều kiện: có đủ tiêu chuẩn theo khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012 và không thuộc các trường hợp sau: Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.