1. Quy định mới về trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần
Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi Thông tư 56/2017/TT-BYT hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
Theo quy định mới, ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội:
Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng BHXH một lần.
(Trong khi đó Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định lao động mắc bệnh nguy hiểm tính mạng phải đồng thời đáp ứng điều kiện không tự sinh hoạt được cần người chăm sóc. Nhóm thứ hai là lao động mắc bệnh khác mà bị suy giảm khả năng lao động hoặc độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự sinh hoạt cần người chăm sóc hoàn toàn.)
2. Hỗ trợ kinh phí cho nông dân trồng lúa không thấp hơn 50% ngân sách
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 02/2023/TT-BTC ngày 06/01/2023 sửa đổi Thông tư 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Theo đó, việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa sẽ không thấp hơn 50% đối với các đối tượng sau đây:
UBND các cấp sử dụng kinh phí nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 35/2015/NĐ-CP. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc sau:
- Hỗ trợ cho người trồng lúa:
Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
- Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc sau:
Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp: Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi trình cấp có thẩm quyền quyết định;
Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.
Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa.
Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Mức chi theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 35/2015/NĐ-CP.
Thông tư 02/2023/TT-BTC có hiệu lực ngày 20/02/2023 sửa đổi Thông tư 18/2016/TT-BTC.